Trang chủ / Văn Học Trong Nước
cover ebook
 

Chuyện của người khách lạ

Bùi Minh Quốc

Lời giới thiệu của Thanh Thảo

Bùi Minh Quốc là cái tên văn học khá quen. Tôi nhớ hồi học lớp 7 đã phải thi bình giảng bài thơ “Lên Miền Tây” của Bùi Minh Quốc, nhớ mãi hai câu thơ “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi – Lên Miền Tây vời vợi nghìn trùng” – hai câu có gì như số phận … Bùi Minh Quốc. Anh là một fan-ca-ngợi cuồng nhiệt, và cũng là một fan-không-ca-ngợi cuồng nhiệt. Đó là một nhà văn dấn thân, theo  nghĩa tốt đẹp của từ này. Anh xung phong đi chiến trường vào khu Năm trong thời điểm chiến tranh ác liệt. Vợ anh – chị Dương thị Xuân Quý – cũng xung phong đi chiến trường, để lại đứa con nhỏ mới mười mấy tháng cho bà ngoại nuôi. Rồi chị Quý hy sinh, rồi anh Quốc đi mãi cho tới ngày hòa bình, đi mãi tới miền … Tây, nếu có thể gọi Lâm Đồng là miền Tây, đi mãi tới những ngày không thể đi … Ôi, nhìn Bùi Minh Quốc tóc đã bạc trắng … thật lòng tôi nhiều lúc thấy ái ngại cho anh. Nhưng số anh nó thế, biết làm sao! Làm sao ta chọn được số phận, chính số phận đã chọn ta, và như một nhà thơ Nga: “Với nhà thơ chúng ta – phần thưởng chính là số phận mình”. Vậy thì hãy coi số phận Bùi Minh Quốc chính là phần thưởng của anh, phần thưởng cho những trang viết của anh. Sau “những ngày không thể đi” Bùi Minh Quốc lại về miền Trung thăm anh em văn nghệ. Anh đưa cho tôi bản thảo “CHUYỆN CỦA NGƯỜI KHÁCH LẠ” như một minh chứng cho khả năng làm việc liên tục, bất chấp nghịch cảnh của mình. Đây là một truyện viết về chiến tranh, vì thế để cho khách quan, tôi đã đưa bản thảo cho một ông bí thư chi bộ vốn là cựu chiến binh, đọc trước, thử xem ông phát biểu thế nào. “Người khách quen” này sau khi đọc bản thảo trong một đêm, đã mang trả tôi kèm một lời bình ngắn gọn: “Tôi đọc cái NGƯỜI KHÁCH LẠ này thấy sướng như được ăn một trã canh khoai”. Như được ăn một trã (nồi) canh khoai, đó là cái sướng của người lao động, khi thưởng thức một thành quả lao động, hỏi có lời khen nào “đã” hơn thế, thú vị hơn thế, hả anh Quốc? Dù chưa diễn tả được cái sướng khi ăn một “trã canh khoai”, nhưng tôi đọc truyện CHUYỆN CỦA NGƯỜI KHÁCH LẠ một cách liền mạch, đọc trong xúc động. Văn xuôi, mà gây được xúc động cho một kẻ ít am hiểu về văn xuôi như tôi (ông Jourdain làm văn xuôi suốt đời mà không biết), nghĩa là anh Bùi Minh Quốc đã có thêm một độc giả, một độc giả khá vô tư, không cạnh tranh, không lườm nguýt, chỉ lặng lẽ đọc và … sướng. Đây là truyệnviết về nhân vật, một nam một nữ, trong một tình huống ngặt nghèo của chiến tranh, họ tình cờ gắn kết số phận vào nhau khi phải đối mặt với cái chết, với sự săn đuổi, với một hoàn cảnh đặc biệt tới mức như không có thật. Vậy mà trong cái hoàn cảnh có vẻ “ảo” đó, họ đã sống trần trụi với tất cả tình cảm chân thật của mình, trừ một điều cũng có vẻ như không thật: họ đã dùng tất cả nghị lựcđể không đi tới cái “hành động cuối cùng” của một đôi nam nữ đang yêu. Kể như bây giờ, đó cũng là một chuyện lạ, khi cuộc cách mạng tình dục đang phát triển như vũ bão. Nhưng ở thời đó, lại là một điều có thể hiểu được, thông cảm được. Đó là một tình yêu thăng hoa, một tình yêu cao hơn những biểu hiện thể chất. Đó là một không-gian-không-trọng-lượng. Nó đối mặt với cái không gian thực đầy ám khí của chiến tranh. Nó đẹp và linh thiêng như một lời cầu nguyện. Số phận nhân vật chính – cô H., cô Trầm, hay cô X gì đó, cứ chợt hiện chợt khuất, một số phận không đơn giản, một số phận có nhiều khoảng tối. Xây dựng một nhân vật có nhiều khoảng tối  như vậy trong số phận, là lợi thế của một nhà văn. Người đọc sẽ rất nóng lòng muốn biết, muốn hình dung được những khoảng còn chưa được soi sáng trong số phận nhân vật. Đó là thuật vẽ “rồng ẩn mây” như người xưa đã dậy. tôi có cảm giác, cuốn tiểu thuyết này mới chỉ là “khúc dạo đầu”, một ouverture (khởi nhạc), và Bùi Minh Quốc sẽ đi tiếp vào những khoảng tối của nhân vật chính ở cuốn tiểu thuyết tiếp sau. Viết về chiến tranh sau khi đã hòa bình 25 năm, quả là một thách thức. 25 năm hòa bình là đã có mấy thế hệ không hề biết thế nào là chiến tranh, hoặc chỉ biết qua phim ảnh, sách vở. Viết về chiến tranh thế nào cho những thế hệ ấy đọc được, không phải đơn giản. Bùi Minh Quốc đã chọn được cách thể hiện hợp lý: đan xen những không thời gian, quá khứ, hiện tại, chiến tranh, hoà bình. Và anh luôn nhìn chiến tranh bằng hai con mắt; con mắt của người đã đi qua chiến tranh, và con mắt của người đang sống trong hoà bình, một thời bình cũng có những khắc nghiệt, những thử thách không thua gí trong chiến tranh. Những thử thách về phẩm chất con người, về cái “chất lượng người” trong mỗi con người. Đã có không ít người ngã gục trong hoà bình. Có không ít những đồng đội cũ đã nghoảnh mặt với đồng đội, ngoảnh mặt với những nỗi đau. Đã xuất hiện những không gian tự cô lập. Đã có những cuộc đời tự lặng chìm, tự khuất dần trước cặp mắt thờ ơ của bao người. Văn học sẽ có tội nếu không tìm đến những số phận ấy, những “không gian tự khép” ấy. Với mỗi cuộc đời buồn thảm như vậy, cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. “Bây giờ không còn những tiếng nổ to – Nhưng còn những tiếng rạn vỡ” (Văn Cao). Nhà văn chẳng là gì, nếu không nghe được “những tiếng rạn vỡ” ấy. Và thể hiện chúng trong tác phẩm. “Người khách lạ” ấy, thực ra không hề xa lạ. Nó là lương tâm đang được thức tỉnh, ở ngay trong mỗi nhà văn, mỗi người cầm bút. Câu chuyện mà người khách lạ kể lại cho nhân vật nhà văn, thực ra, chỉ là những hồi ức của nhà văn được đánh thức từ trong thẳm sâu của tiềm thức. Và sự đánh thức ấy đã làm chính nhà văn thay đổi. Thay đổi cách sống. Thay đổi cách nhìn. Thay đổi cách cảm. Với nhà văn, sự thức tỉnh mở ra những không gian mới. Từ đây, không còn có thể ngủ yên trên thành đạt. Từ đây, là một chuyến đi, một “Du hành đến tận cùng đêm tối” như tên một tiểu thuyết của Céline.
Quảng Ngãi.
Mùa thu Euro 2000.

Mời các bạn cùng đọc.

Tải về

http://www.mediafire.com/?6mskoxzsgdy

Chia sẻ tới các bạn bởi Dulitruc